P&L – KHÔNG CHỈ LÀ BÁO CÁO LỜI LỖ

Nhắc tới P&L, thông thường mọi người thường nghĩ ngay đến đó là một loại báo cáo tài chính ghi nhận doanh thu, các chí phí của doanh nghiệp, phản ánh kết quả hoạt động trong một thời gian của doanh nghiệp là lời hay lỗ. Tuy nhiên, sự thật P&L còn có nhiều vai trò hỗ trợ chủ doanh nghiệp và các manager trong việc ra quyết định hơn so với việc chỉ là báo cáo lời lỗ.

1. P&L giúp chủ doanh nghiệp và các Brand/Trade/Sales Manager xác định nguồn tăng trưởng phù hợp cho doanh thu của doanh nghiệp.

Thông thường, khi nghĩ đến tăng doanh thu, 2 hướng chính thường hay được nhắc đến là tăng giá hoặc tăng lượng sản phẩm bán ra. Tuy nhiên, việc gia tăng 2 yếu tố này trong thực tế không phải lúc nào cũng có thể làm được. Nếu thường xuyên phân tích và biết cách phân tích P&L của thương hiệu hoặc của doanh nghiêp, bạn sẽ biết rằng sẽ còn những yếu tố khác (như phối hợp việc bán nhiều brand, nhiều sản phẩm, nhiều SKU, nhiều kênh phân phối khác nhau,…) ẩn bên trong có thể trở thành nguồn tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mà doanh nghiệp có thể tận dụng. Điều này giúp các chủ doanh nghiệp hay các manager “gỡ được thế bí”, đảm bảo được việc tăng trưởng của doanh nghiệp và nhãn hiệu ngay cả khi không thể tăng giá hay sản lượng bán ra của sản phẩm. Và tất nhiên, điều này chỉ có thể được thực hiện với một sự am hiểu nhất định về các yếu tố cấu thành P&L và sự phân tích chi tiết, tỉ mỉ.

2. P&L cung cấp các KPI giúp chủ doanh nghiệp và các Brand/Trade/Sales Manager xác định mức đầu tư phù hợp cho hoạt động marketing.

Trong thực tế, việc đầu tư vào các hoạt động cho sản phẩm có thể hướng đến nhiều loại mục tiêu khác nhau. Việc hiểu rõ các thành phần và cách phân tích P&L giúp chủ doanh nghiệp và các manager xác định được khoản đầu tư cho một hoạt động nhất định mình đề ra tác động như thế nào đến từng “tầng lớp” doanh thu và lợi nhuận trong P&L. Từ đó, đánh giá được mức độ đầu tư như vậy đã phù hợp chưa, đạt được mục tiêu hay chưa và xứng đáng để quyết định đầu tư hay không.

3. P&L giúp chủ doanh nghiệp và các Brand/Trade/Sales Manager thấy được các hướng tối ưu hóa chi phí khác nhau phù hợp với tình hình của doanh nghiệp.

Việc xác định khoản chi phí nào có thể tối ưu mà không làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động hiện tại và kế hoạch phát triển trong tương lai của doanh nghiệp cũng như của sản phẩm là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hiểu rõ các thành phần cấu thành nên P&L giúp cho chủ doanh nghiệp và các manager biết được khi nào thì nên chọn tối ưu hóa chi phí sản xuất, khi nào thì chọn chi phí quảng cáo và khuyến mại hay chi phí nhân công để cắt giảm. Với mỗi loại chi phí được lựa chọn để tối ưu hóa, nên cắt giảm những yếu tố nào trong nhóm chi phí đó để không gây ảnh hưởng mà còn giúp giảm thiểu tác động lên các hoạt động của sản phẩm. Trong một số trường hợp, việc xác định chi phí phù hợp để tối ưu hóa còn giúp tạo ra những ý tưởng sáng tạo. Từ đó, giúp doanh nghiệp không những nâng cao lợi nhuận mà còn hỗ trợ phát triển sản phẩm.

Nguồn: https://www.cask.vn/tin-chi-tiet/p-l-khong-chi-la-bao-cao-loi-lo


Post Views:
628

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *