Một biểu hiện của tính duy lý trong cách hành xử của gia đình thời hiện đại chính là cách nhìn nhận mọi điều đúng sai không còn dựa vào thứ bậc mà là lý lẽ.
Ngày trước, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cha mẹ luôn chiếm mất phần đúng của con. Cha mẹ có thể ép con mình lấy một người mà cha mẹ chọn dù con không yêu thích. Nhưng nay, con cái có quyền lựa chọn người mà chúng yêu thương và gắn bó.
Cha mẹ có thể “đặt” con ở nơi họ muốn nhưng cũng dần ý thức rằng, chỗ họ muốn cho con mình nên là chỗ con mình cũng muốn. Bên cạnh đó, bản thân người con luôn ý thức cái muốn của họ cũng hợp ý nguyện của cha mẹ.
Bằng chứng là những chàng trai, cô gái thời nay vẫn thường dẫn người mình yêu về ra mắt bố mẹ và đều mong muốn cha mẹ chấp nhận người mà họ lựa chọn bằng những lý lẽ cụ thể.
Thời nay, con cháu trong gia đình cũng có thể đưa ra những suy nghĩ, tâm tư của mình trước người lớn. Cha mẹ có thể phải đồng ý với con nếu con đúng. Và người lớn cũng hết thời có thể dùng quyền lực để áp đặt với con cái.
Theo đó, muốn con cái tuân phục và thực hiện ý đồ của mình một cách tự nguyện, cha mẹ phải đưa ra những phán xét, lý lẽ hợp lý.
Gia đình tôi trước đây cha mẹ có quyền hành tuyệt đối. Đôi khi có những quyết định chúng tôi biết là vô lý nhưng cũng không dám cãi lại.
Nhưng nay đã khác. Nếu cháu tôi trình bày được lý do khiến cháu có thể ra đường khi trời lạnh mà vẫn đủ ấm và thực hiện được điều đó, cháu có thể được ra khỏi nhà.
Hay cháu đi chơi mà vẫn bảo đảm việc học nghiêm túc thì người lớn cũng phải chịu lý lẽ của các cháu.
Sở dĩ nhiều người trẻ hiện nay kém nhanh nhạy trong tư duy nhìn nhận toàn diện về một vấn đề và ngại đưa ra những quan điểm cá nhân chính là kết quả của kiểu giáo dục mà ở đó lý lẽ nằm trong tay “người trên”, hay có chăng nữa cũng chỉ là lý lẽ của “cây roi mây”. Tình trạng này kéo dài lâu dần gây nên sự chai lì trong tư duy và phát triển nhân cách một con người.
Bởi vậy, để hình thành nhân cách, kỹ năng của con người hiện đại, ngay từ khi con cái còn nhỏ, cha mẹ nên tập cho con nêu ý kiến suy nghĩ về những vấn đề trong đời sống.
Qua đó, hướng cho con mình cách lập luận đúng sai của một vấn đề. Chẳng hạn, thay vì cấm tuyệt con cái dầm mưa không cần nêu lý do, cha mẹ có thể đưa ra những lời giải thích cho câu hỏi mở: “Trời mưa thì có nên ra ngoài trời không? Nếu có thì tại sao? Nếu không thì tại sao?”.
Cách đưa ra những lựa chọn gợi mở như vậy giúp trẻ tăng khả năng tư duy phân tích, xâu chuỗi vấn đề.
Kết quả là con trẻ hiểu ra được rằng: dầm mưa là không nên vì dầm mưa sẽ ướt, dẫn đến cảm lạnh. Muốn ra đường khi trời mưa mà không cảm lạnh thì cần có vật dụng che mưa như áo mưa, dù.
Những lần tiếp theo, khi nhìn thấy trời mưa, trời nắng hay gặp những tình huống tương tự trong đời sống, trẻ con có thể tự suy luận phương pháp hợp lý, tối ưu cho một vấn đề.
Đành rằng để làm được điều này trong thời đại các bậc cha mẹ bận rộn, quỹ thời gian hạn chế cũng không phải là chuyện dễ, nhưng cha mẹ cần phải thực sự ý thức, cố gắng gần gũi và dành thời gian để giải thích, trò chuyện và lắng nghe.
Trẻ em đôi khi nhìn nhận vấn đề còn ngô nghê, chưa thể sâu sắc hay chín chắn như người lớn, nhưng có đủ khả năng học hỏi và dần dần thấm nhuần những bài học tư duy từ những cuộc trò chuyện này.
Mọi sự cấm đoán con trẻ không lý do luôn gây ra sự ức chế tâm lý. Sư tuân phục vì sợ sệt đòn roi, la mắng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về tâm lý sau này. Nhất là các em sẽ tưởng rằng bạo lực là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Điều đó sinh ra những “nhân cách yếu ốm”, thiếu tự tin, thiếu kỹ năng sống khi trưởng thành.
Có bậc cha mẹ nào lại không muốn điều tốt lành cho con cái? Có cha mẹ nào không muốn con mình phát triển toàn diện, gần gũi, yêu thương mình? Vậy thì điều gì khiến chúng ta không tạo điều kiện cho con thể hiện bản thân ngay từ bây giờ?