Thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo ra sao?

Giảm tổng lượng calo nhập: TPCN giảm mỡ có khả năng ức chế được sự thèm ăn. Sự thèm ăn không còn chịu sự điều khiển của các hợp chất và hormone trong cơ thể, gây đánh lừa bộ não của người dùng rơi vào trạng thái có cảm giác no bụng.

Cơ chế nhanh hơn là làm gián đoạn các tín hiệu đói của cơ thể lên bộ não. Ngoài ra TPCN kích hoạt một cảm giác no bụng làm cho người dùng cảm thấy không cần thiết phải ăn thêm nhiều hơn.

Tăng tổng lượng calo tiêu thụ: TPCN giảm mỡ có công dụng ngăn hình thành mỡ, đốt mỡ giúp cho cơ thể lấy đi chất béo. Chất này đi vào cơ thể, liên kết với mỡ, làm tăng khả năng được cơ thể sử dụng để tạo năng lượng hoạt động.

Mặt khác, TPCN giảm mỡ sẽ tăng tốc độ chuyển hóa của cơ thể, giúp quá trình trao đổi chất tăng nhanh, dẫn đến việc tiêu hao năng lượng nhiều hơn.

TPCN là thực phẩm có lợi cho một hay nhiều hoạt động của cơ thể như cải thiện tình trạng sức khoẻ và làm giảm nguy cơ mắc bệnh hơn là so với giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại.

TPCN thuộc khoảng giao thoa (còn gọi là vùng xám) giữa thực phẩm và thuốc. Vì thế người ta còn gọi TPCN là thực phẩm-thuốc (food-drug).

Một số TPCN giúp giảm mỡ như sau:

1. L-carnitine: đưa mỡ vào “lò”

L-Carnitine giúp vận chuyển acid béo vào trong ti thể của tế bào. Tại đây, các acid béo mới được chuyển hóa và tạo ra năng lượng.

Nếu không có L-Carnitine, các acid béo không thể đến được nơi sản xuất năng lượng, khi đó, cơ thể sẽ bị thiếu năng lượng, còn chất béo thì trở nên thừa và tích tụ lại.

L-Carnitine là chất dinh dưỡng tự nhiên, một phần có sẵn trong thức ăn. Các loại thịt đỏ (thịt cừu, thịt nai và thịt bò) đặc biệt chứa nhiều L-Carnitine. Cá, thịt gia cầm, sữa và sữa mẹ chứa ít hơn. Các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật chứa rất ít L-Carnitine.

Trung bình mỗi ngày chúng ta cần tiêu thụ khoảng 100-300 mg L-Carnitine.

2. CLA: giúp cơ thể thấy no, giảm nạp thức ăn

CLA (Conjugated Linoleic Acid) là thuật ngữ dùng để chỉ họ các đồng phân khác nhau của linoleic acid, được gọi chung là axit linoleic liên hợp. Thực chất nó là một loại axit béo không bão hòa đa omega-6.

CLA có hàm lượng cao trong dầu thực vật và hàm lượng thấp hơn trong một số loại thực phẩm khác.

CLA giúp cơ thể cảm thấy no, từ đó giảm việc nạp thức ăn không cần thiết và không tạo ra tế bào mỡ dư thừa.

3. Caffeine: kích thích trao đổi chất

Caffeine có trong hạt cà phê và lá trà. Cơ thể con người không cần caffeine – chất không có giá trị dinh dưỡng.

Tuy nhiên, chất này có khả năng kích thích hệ thần kinh trung ương và tạo ra cảm giác tỉnh táo, thoát khỏi mệt mỏi trong thời gian ngắn.

Caffeine có khả năng gia tăng hiệu suất giảm béo, là một chất sinh nhiệt tốt và là chất kích thích trao đổi chất, giúp axit béo trong máu chuyển hóa thành năng lượng dễ tiêu thụ.

Tác dụng giảm mỡ của caffeine còn nằm ở chỗ caffeine có thể giúp giữ tập trung lâu hơn giúp tăng cường độ tập luyện, tăng hiệu suất tập luyện.

4. Omega-3: tạo cảm giác no lâu, giảm thèm ăn

Omega-3 là một họ axit béo rất cần thiết cho sức khỏe. Có rất nhiều loại Omega-3, được chia theo hai loại chính:

Omega-3 thiết yếu: axit α-linolenic (ALA) là axit Omega-3 thiết yếu duy nhất. Dưỡng chất này được tìm thấy nhiều ở các loại thực vật như quả óc chó, hạt gai dầu, hạt chia, hạt lanh.

Omega-3 chuỗi dài: Có hai loại Omega-3 chuỗi dài thường gặp là axit eicosapentaenoic (EPA) và axit Docosahexaenoic (DHA). Chúng chủ yếu được tìm thấy trong dầu cá và những con cá béo, một số loại hải sản, tảo và dầu tảo.

EPA và DHA tham gia vào nhiều chức năng thiết yếu và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển chức năng của mắt và não bộ.

ALA là dưỡng chất rất cần thiết bởi cơ thể con người không thể tự tạo ra nó. Có nghĩa là chúng ta phải hấp thụ loại dưỡng chất này từ các bữa ăn hằng ngày.

Mặt khác, EPA và DHA thường không quan trọng bằng ALA, bởi cơ thể có thể tự sản sinh ra chúng.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi để sản sinh ra hai loại axit trong cơ thể con người không được hiệu quả cho lắm. Chỉ khoảng 2-10% ALA được chuyển hóa thành EPA và DHA. Do đó, nhiều chuyên gia sinh dưỡng khuyên rằng nên nạp vào cơ thể 200-300 mg EPA và DHA mỗi ngày.

Omega-3 tạo ra cho cơ thể cảm giác no lâu, giảm thèm ăn, giúp quá trình giảm cân được trôi chảy hơn.

Điều này hiệu quả cho những người đang theo đuổi chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, vì chế độ ăn kiêng khắc nghiệt thường làm cho cơ thể trở nên mệt mỏi và nhanh đói.

Thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo ra sao? - Ảnh 3.

Trước đây, Yohimbine thường được sử dụng để điều trị rối loạn cương dương. Gần đây, chúng còn được biết đến trong giới vận động viên thể hình là một chất giúp hỗ trợ giảm mỡ

5. Yohimbine: giúp lôi mỡ cứng đầu ở bụng dưới, hông và đùi vào lò đốt

Yohimbine là một chất tự nhiên thuộc nhóm alkaloid, được tìm thấy trong nhiều loại thực vật bản địa ở Tây và Trung Phi (Africa).

Yohimbine ảnh hưởng đến cơ thể bằng cách kích thích hệ thần kinh giao cảm. Điều này làm giải phóng vào máu catecholamines, làm tăng thân nhiệt và huyết áp.

Các thụ thể của bào chất béo được chia thành 2 loại, đó là α-receptors và β-receptors.

Khi catecholamines liên kết với β-receptors thì tế bào chất béo sẽ được huy động để đốt cháy. Còn khi catecholamines liên kết với α-receptors thì tế bào chất béo lại không được huy động.

Trong cơ thể, một số mô mỡ sẽ có mật độ α-receptors cao hơn, từ đó khiến chúng khó “huy động” hơn so với các loại mỡ khác. Loại mỡ khó huy động để đốt cháy này thường được gọi là mỡ cứng đầu (stubborn fat). Điều này cũng lý giải tại sao mỡ ở một số vùng như bụng dưới, hông và đùi lại rất khó giảm.

Yohimbine có một sức hấp dẫn “lớn” đối với các α-receptors. Vì vậy chúng sẽ liên kết với α-receptors dễ hơn so với β-receptors.

Khi yohimbine liên kết với một tế bào chất béo, chúng sẽ bất hoạt α-receptors. Và điều này tạo điều kiện cho các catecholamines liên kết với β-receptors thay vì α-receptors. Từ đó, giúp các tế bào chất béo trở nên dễ huy động để đốt cháy hơn.

6. Vitamin nhóm B

Vitamin nhóm B rất cần thiết cho sự trao đổi chất hoạt động hiệu quả. Chức năng chính của vitamin B là giúp cơ thể chuyển hóa carbohydrate, protein và chất béo, và sử dụng năng lượng dự trữ trong thực phẩm.

7. Khoáng chất: mang oxy đến tế bào

Sắt giúp cơ thể tạo ra năng lượng từ các chất dinh dưỡng. Sắt giúp mang oxy đến tất cả các tế bào trong cơ thể, bao gồm cả cơ bắp, điều này giúp nó đốt cháy chất béo.

Tương tự như sắt, kẽm, magie và canxi cũng được chứng minh giúp tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, qua đó giúp hạn chế tích lũy mỡ thừa.

Ngoài các TPCN giảm mỡ chủ yếu nêu trên, còn có một số TPCN khác chiết xuất từ thiên nhiên cũng có tính chất giảm mỡ được chia vào các nhóm cơ bản gồm:

Nhóm giảm tích mỡ như xương rồng (Hoodia Gordonii), quả nụ (Garcinia Cambogia)…

Nhóm tiêu huỷ mỡ thừa có chiết xuất vỏ cam đắng (Citrus Aurantium), tinh chất trà xanh (Green Tea Extract), tinh chất củ gừng (Ginger Root Extract), tinh chất củ nghệ (Curcumin Extract), tinh chất hạt tiêu (Pepper Extract)…

Như vậy, TPCN giảm mỡ thực sự hứa hẹn là một công cụ hữu dụng trong quá trình tìm lại vóc dáng cơ thể.

Tuy nhiên, xin nhắc lại rằng cơ chế chính của việc giảm mỡ nằm ở việc cân bằng giảm lượng calo xuất-nhập của cơ thể. TPCN chỉ hỗ trợ cho quá trình đó trở nên thuận lợi hơn.

Một chế độ tập luyện phù hợp, kết hợp với một chế độ ăn hợp lí sẽ là một đáp án phù hợp nhất cho việc sở hữu một thân hình gọn gàng và khỏe mạnh.

Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: suckhoe@tuoitre.com.vn. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.

Nguồn: https://tuoitre.vn/thuc-pham-chuc-nang-ho-tro-giam-beo-ra-sao-20191223103639291.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *