TỔNG QUAN VỀ DINH DƯỠNG TRONG CHĂM SÓC UNG THƯ

Dinh dưỡng là quá trình mà trong đó thực phẩm được cơ thể hấp thu và sử dụng để phát triển, giữ cho cơ thể khỏe mạnh và thay thế mô. Dinh dưỡng tốt là quan trọng để có sức khỏe tốt. Ăn đúng loại thực phẩm trước, trong và sau khi điều trị ung thư có thể giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn và có sức chịu đựng cao hơn. Một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm ăn và uống đủ các loại thực phẩm và chất lỏng có chứa những chất dinh dưỡng quan trọng (các vitamin, khoáng chất, protein, carbohydrate, chất béo và nước ) mà cơ thể cần.

Dinh dưỡng tốt là rất quan trọng đối với những bệnh nhân ung thư

Dinh dưỡng là quá trình mà trong đó thực phẩm được cơ thể hấp thu và sử dụng để phát triển, giữ cho cơ thể khỏe mạnh và thay thế mô. Dinh dưỡng tốt là quan trọng để có sức khỏe tốt. Ăn đúng loại thực phẩm trước, trong và sau khi điều trị ung thư có thể giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn và có sức chịu đựng cao hơn. Một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm ăn và uống đủ các loại thực phẩm và chất lỏng có chứa những chất dinh dưỡng quan trọng (các vitamin, khoáng chất, protein, carbohydrate, chất béo và nước ) mà cơ thể cần.

Khi cơ thể không nhận được hoặc không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe, người bệnh sẽ bị suy dinh dưỡng.

Những thói quen ăn uống lành mạnh là rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh ung thư

Liệu pháp dinh dưỡng được sử dụng để giúp bệnh nhân ung thư nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì trọng lượng và sức mạnh, giữ cho tế bào/mô khỏe mạnh và chống lại nhiễm trùng. Những thói quen ăn uống có lợi cho bệnh nhân ung thư có thể rất khác biệt so với các hướng dẫn ăn uống thông thường.

Những thói quen ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng tốt có thể giúp bệnh nhân đối phó với những ảnh hưởng của bệnh ung thư và tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung thư. Một số phương pháp điều trị ung thư có hiệu quả cao hơn khi bệnh nhân được nuôi dưỡng tốt và được nhận đủ năng lượng (calo) và chất đạm (protein) trong chế độ ăn uống. Bệnh nhân có dinh dưỡng tốt sẽ có tiên lượng (cơ hội hồi phục) và chất lượng cuộc sống cao hơn.

Ung thư có thể thay đổi cách cơ thể hấp thụ và sử dụng dinh dưỡng

Một số khối u sản sinh ra các chất hóa học làm thay đổi cách cơ thể hấp thu một số chất dinh dưỡng nhất định. Việc hấp thu chất đạm (protein), tinh bột (carbohydrate) và chất béo của cơ thể có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi có khối u trong dạ dày hoặc ruột. Một bệnh nhân có thể có vẻ ăn uống đầy đủ nhưng cơ thể lại không thể hấp thụ tất cả các chất dinh dưỡng từ thực phẩm.

Ung thư và những phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng

Đối với nhiều bệnh nhân, ung thư và điều trị ung thư gây khó khăn cho việc ăn uống tốt. Những phương pháp điều trị ung thư ảnh hưởng đến dinh dưỡng bao gồm:

  • Phẫu thuật
  • Hóa trị
  • Xạ trị
  • Liệu pháp miễn dịch
  • Cấy tế bào gốc

Khi đầu, cổ, thực quản, dạ dày, hoặc ruột bị ảnh hưởng bởi điều trị ung thư, việc tiếp nhận đầy đủ chất dinh dưỡng để duy trì sức khỏe sẽ trở nên rất khó khăn.

Những tác dụng phụ của ung thư và điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến ăn uống bao gồm:

  • Chán ăn (mất cảm giác ngon miệng)
  • Lở loét miệng
  • Khô miệng
  • Khó nuốt
  • Buồn nôn
  • Ói mửa
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Đau nhức
  • Trầm cảm
  • Lo âu

Ung thư và những phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến vị giác, khứu giác, cảm giác ngon miệng và khả năng ăn đủ thức ăn hoặc hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Đây là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng (tình trạng thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng). Suy dinh dưỡng có thể làm bệnh nhân yếu, mệt mỏi và dễ bị nhiễm trùng hoặc không chịu được điều trị ung thư. Suy dinh dưỡng có thể còn tồi tệ hơn nếu bệnh ung thư tiến triển hoặc di căn. Ăn quá ít chất đạm và năng lượng là những vấn đề rất hay gặp ở những bệnh nhân ung thư. Việc có đủ chất đạm và năng lượng là rất quan trọng để lành bệnh, chống nhiễm trùng và có sinh lực tốt.

Chán ăn và suy kiệt là những nguyên nhân phổ biến gây nên suy dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư

Chán ăn (biếng ăn, mất cảm giác ngon miệng) là triệu chứng thường gặp ở những người bị bệnh ung thư. Chán ăn có thể xảy ra từ sớm hoặc muộn hơn, sau khi ung thư đã tiến triển hoặc di căn. Một số bệnh nhân thấy chán ăn khi họ được chẩn đoán mắc bệnh. Hầu hết bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn bị chán ăn. Chán ăn là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên suy dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư.

Suy kiệt là tình trạng đặc trưng bởi chán ăn, giảm cân, yếu hoặc teo cơ và suy nhược tổng thể. Tình trạng này là phổ biến ở những bệnh nhân có khối u ở phổi, tụy và đường tiêu hóa trên (như thực quản, dạ dày). Việc theo dõi và điều trị suy kiệt sớm là rất quan trọng vì tình trạng này rất khó chữa trị.

Bệnh nhân ung thư có thể bị biếng ăn và suy kiệt cùng một lúc. Giảm cân có thể xảy ra do nạp ít năng lượng hơn, sử dụng nhiều năng lượng hoặc cả hai.

Việc điều trị giảm cân do ung thư và điều trị ung thư là rất quan trọng

Việc điều trị sớm các triệu chứng của ung thư cũng như những tác dụng phụ ảnh hưởng đến ăn uống và làm giảm cân là rất quan trọng. Liệu pháp dinh dưỡng và thuốc men có thể giúp các bệnh nhân duy trì trọng lượng tốt. Thuốc có thể được sử dụng cho những mục đích sau:

  • Để giúp tăng sự thèm ăn.
  • Để giúp tiêu hóa thức ăn.
  • Để giúp các cơ dạ dày và ruột co thắt (giúp thức ăn di chuyển trong lòng ruột tốt hơn).
  • Để ngăn ngừa hoặc điều trị buồn nôn và ói mửa.
  • Để ngăn ngừa hoặc điều trị tiêu chảy.
  • Để ngăn ngừa hoặc điều trị táo bón.
  • Để ngăn ngừa và điều trị các vấn đề ở miệng (như khô miệng, nhiễm trùng, đau nhức và loét).
  • Để ngăn ngừa và kiểm soát cơn đau.

Theo dõi fanpage chính thức của BV-NTP để biết thêm các thông tin tại ĐÂY

Tham khảo thêm các video dành cho cộng đồng trên kênh Youtube của BV-NTP tại ĐÂY

Nguồn: http://bvnguyentriphuong.com.vn/cac-chuyen-khoa/can-lam-sang/dinh-duong/tong-quan-ve-dinh-duong-trong-cham-soc-ung-thu.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *