Triết lý kinh doanh của Honda (phần 3)

Tập đoàn Honda là nhà sản xuất động cơ lớn nhất thế giới. Nhà sáng lập của thương hiệu này – doanh nhân Soichiro Honda – được tạp chí People tôn vinh là “Henry Ford của Nhật Bản”.

Tuổi thơ khốn khó, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, nhưng bằng nghị lực kiên cường, niềm say mê khoa học kỹ thuật và tấm lòng tận tâm cống hiến cho xã hội, ông Soichiro đã biến Honda thành một tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh, trị giá hàng tỷ đô la.

Cuộc đời của Soichiro Honda là một chuỗi dài những nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ. Thành công của ông là kết quả của niềm say mê, lòng quyết tâm sắt đá theo đuổi đến tận cùng những giấc mơ, phá vỡ mọi định kiến kinh doanh và công nghệ.

Những triết lý sống nhân văn, dung dị được đúc kết qua hàng chục năm gây dựng và chèo lái Tập đoàn Honda của ông được tập hợp trong cuốn sách “Yaritaikoto Wo Yare” là nguồn cảm hứng cho bất cứ ai được tiếp cận và chiêm nghiệm.

“Honda – Sức mạnh của những giấc mơ” là bản tiếng Việt của cuốn sách trên. Dưới đây trích lược nội dung của cuốn sách này – một số triết lý sống của vị doanh nhân Nhật Bản được cả thế giới ngưỡng mộ Soichiro Honda (1906 – 1991).

Triết lý “Lãnh đạo” của Honda

Trưởng bộ phận là vị trí quan trọng nhất

Trưởng bộ phận là vị trí quan trọng trong quản lý và đánh giá nhân sự. Vì nếu lên vị trí cao, nằm trong ban điều hành của công ty thì không thể nào để mắt đến nhân sự kỹ như vậy được.

Tuy nhiên, những người trưởng bộ phận muốn có thật nhiều nhân sự cấp dưới không phải là người quản lý tốt. Mục tiêu cuối cùng thực sự của một trưởng bộ phận là phải làm sao để bộ phận mình vẫn hoàn thành tốt công việc dù có giảm số lượng nhân viên. Chính vì thế, những trưởng bộ phận không có năng lực càng cần nhiều nhân sự cấp dưới.

Việc khó nhất chính là quản lý con người. Máy móc chỉ cần lắp đặt vào vị trí một lần là vận hành được toàn bộ hệ thống, hỏng thì sửa, việc đó không khó. Còn con người phải quan sát một cách nghiêm túc từ trên xuống dưới, từ ngang sang dọc thật kỹ lưỡng rồi mới đưa ra nhận xét đánh giá, nếu không thì không thể nào quản lý tốt.

Thả diều bằng tay thuận

Tôi tin rằng cuộc đời một con người tuyệt vời nhất là khi anh ta được tự do “thả diều bằng tay thuận”.

Những người đứng đầu công ty cần phải quan sát, nắm rõ sở trường của cấp dưới, bố trí nhân lực đúng vị trí. Đó là dấu hiệu chứng tỏ năng lực kinh doanh, quản lý của người làm lãnh đạo. “Đại bàng có năng lực sẽ không giấu vuốt”, thế nên những ai đang ở vị trí nhân viên cần phải trình bày sở trường của mình cho cấp trên được biết. Vì chỉ có làm như vậy mới có thể tìm thấy niềm vui trong công việc.

Điều cần làm trước tiên là tìm ra sở trường của bản thân càng sớm càng tốt. Với những ai chưa nắm rõ được sở trường của mình thì có thể sử dụng các bài kiểm tra tính cách thích ứng với công việc hoặc tham khảo ý kiến từ bố mẹ, thầy cô.

Phải thành thực lắng nghe người khác

Người tự cho mình thông minh sẽ chẳng bao giờ biết lắng nghe người khác. Họ tự cho mình dù sao cũng là trí thức, nếu phải hỏi người ta những việc như thế thì mất hết cả thể diện. Đối với họ, điều đáng sợ nhất là bị người khác nhận xét “Anh ta cũng có biết gì việc ấy đâu”. Về điểm này, tôi thấy tội nghiệp cho những trí thức nửa mùa ấy.

Riêng tôi, tôi luôn cảm thấy những điều mình biết còn rất nhỏ nhoi nên tôi tiếp thu lời khuyên bảo của người khác một cách rất đỗi bình thường. Nhờ vậy mà trí tuệ ngày càng được mở mang. Tôi có thể khiêm tốn hỏi đám nhân viên trẻ: “Này em, chỗ này là thế nào ấy nhỉ?”. Trước thái độ nhũn nhặn như vậy, bất cứ ai cũng sẽ vui vẻ chia sẻ trí tuệ của họ cho ta.

Dùng người

Người có thể điều khiển người khác là người phải hiểu được tâm lý của người bị điều khiển. Nhưng cũng chính người đó lại thường xuyên phải băn khoăn, trăn trở. Người nào chưa từng băn khoăn, trăn trở không thể điều khiển người khác được. Đó là ý kiến của cá nhân tôi.

Ngoài ra, để điều khiển được người khác cần phải có tư duy muốn mình đẹp hơn trong mắt người khác. Đẹp hơn trong mắt người khác có nghĩa là được người khác nghĩ tốt, nói tốt về mình. Nghe có vẻ thiển cận nhưng thực ra đó là một trong những chân lý. Xây dựng vẻ bề ngoài cho bản thân cũng mang hơi hướng thiết kế, tương tự chuyện một chiếc ô tô không có thiết kế bắt mắt không thể bán chạy được. Bề ngoài đẹp là một trong những điều cơ bản để được người khác yêu thích.

Sử dụng con tốt đúng cách

Masuda Kozo – đệ nhất cao thủ cờ tường đã nói với tôi “Ông dẫn tôi đến thăm nhà máy nghiên cứu kỹ thuật của Honda đi” và ông đã đến thăm nhà máy của tôi ở thành phố Wako thuộc sỉnh Saitama.

Ngay khi bước vào phòng khách, ông đã nói với tôi thế này: “Ông sử dụng con tốt đúng cách rồi đấy”.

Trong cờ tướng, khi con tốt đi vào chiến địa của đối phương thì được phong cấp hoạt động như một tướng vàng. Nếu không biết cách khiển tốt thì không thể trở thành người chơi cờ nổi danh được.

Phương thức kinh doanh của công ty tôi đúng như những gì mà ngài Masuda đã nói. Có lẽ khi đến thăm, ngài Masuda đã thấy cách tiếp đãi tận tình của các anh bảo vệ và các nhân viên nữ trong công ty. Dù sao tôi cũng lấy làm phục, đúng là cái nhìn của người thành danh rõ ràng là khác với người thường.

Xây dựng môi trường làm việc “vừa ý”

Khi xây dựng dây chuyền sản xuất số lượng lớn, nếu không suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng sẽ dễ dẫn đến tình trạng con người bị máy móc điều khiển. Ngay từ khi còn là một xưởng nhỏ với chỉ mấy chục công nhân, tôi đã tin rằng sản xuất là một cuộc chạy đua với thời gian và tôi đã theo đuổi mục tiêu sản xuất hàng loạt. Tất nhiên ở đây không phải chỉ đơn thuần theo đuổi số lượng. Với tôi, mối quan tâm đầu tiên là xây dựng được một nhà máy “vừa ý” những người trẻ tuổi. Vì nếu người lao động không “vừa ý” mà chỉ miễn cưỡng làm việc thì không thể sản xuất được những sản phẩm chất lượng vượt qua tiêu chuẩn của thế giới.

Ngoài ra, mỗi nhân viên cần phải xem công việc công ty chính là vấn đề cần giải quyết của bản thân để tìm cách cải thiện cho đến khi bản thân “vừa ý” mới thôi.

Lý do tôi thành công

Nhờ may mắn, ở một chừng mực nào đó tôi tạm coi như đã thành công. Tuy nhiên, vì tôi không phải là người sùng bái trời phật nên tôi không thể tự thuyết phục mình tin rằng “thành công có được là nhờ ơn trên”. Tôi cũng không nghĩ rằng thành công này chỉ là do mình đã làm việc cật lực mà nên.

Công ty tôi có hơn bốn mươi nghìn công nhân viên, nếu kể thêm cả những xưởng sản xuất phụ trợ hợp tác với chúng tôi nữa thì con số đó còn lớn hơn nhiều, và tất cả mọi người đã rất nỗ lực cho công việc. Tôi có được ngày hôm nay là nhờ vào công sức của tất cả mọi người.

Chính sự nỗ lực và lao động vất vả của mọi người đã nâng bước thành công cho tôi.

Triết lý kinh doanh của Honda (phần 1)

Triết lý kinh doanh của Honda (phần 2)

Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *