Điều trị suy dinh dưỡng không đơn giản là chế độ ăn giàu năng lượng và dưỡng chất. Thực tế, nhiều trẻ dù đã thay đổi món ăn vẫn thấp còi, suy giảm năng lực trí tuệ, miễn dịch yếu và gặp nhiều hệ quả lâu dài khác, lên cả não bộ và cơ thể.
Ngày 23/7, nhóm của Tiến sĩ Ahmed và Jeff Gordan, chuyên gia vi sinh tại Đại học Washington, đã công bố một nghiên cứu trên Tạp chí Y khoa New England. Công trình chỉ ra rằng nhân tố quan trọng dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ em chính là các loài vi khuẩn bên trong ruột non – nơi hấp thụ chất dinh dưỡng chính.
Theo đó, một số nhóm vi khuẩn nhất định có thể tạo ra hàng loạt phản ứng viêm trong ruột, ngăn trẻ hấp thu dưỡng chất từ thức ăn.
Chuyên gia vi sinh Maria Gloria Dominguez Bello, Đại học Rutgers, cho biết: “Cách duy nhất để điều trị suy dinh dưỡng là bổ sung lượng chất đầy đủ”. Tuy nhiên, với trẻ em, việc này không chỉ dừng lại ở thay đổi chế độ ăn. Phụ huynh cần ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn có hại trong ruột.
Mối liên quan giữa hệ vi sinh đường ruột và bệnh suy dinh dưỡng không mới. Trong suốt quá trình hợp tác kéo dài cả thập kỷ, nhóm của Tiến sĩ Ahmed và Gordon đã xuất bản nhiều nghiên cứu cho thấy việc nuôi dưỡng lợi khuẩn đường ruột có thể giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và thậm chí phục hồi sau sụt cân.
Một vài thể chậm phát triển bắt nguồn từ tình trạng viêm kéo dài của ruột non, có tên là E.E.D (viết tắt của environmental enteric dysfunction – rối loạn môi trường đường ruột). E.E.D bào mòn lớp niêm mạc hấp thụ và làm giảm khả năng lấy chất dinh dưỡng từ thức ăn.
Trên thực tế, vi sinh đường ruột, E.E.D và bệnh chậm phát triển có mối quan hệ phức tạp. Bản chất ruột non rất khó tiếp cận nên nghiên cứu vô cùng hạn chế. Phương pháp duy nhất là nội soi, xâm lấn sâu trong ruột qua họng và dạ dày. Nó vô cùng nguy hiểm, đặc biệt với trẻ nhỏ.
Tiến sĩ Ahmed và các đồng nghiệp đã kiểm tra hơn 500 trẻ trong một quận trung tâm ở Dhaka, Bangladesh từ 2016 đến 2018. Tất cả đều khoảng 18 tháng tuổi và có nguy cơ cao chậm phát triển. Trong vòng 3 tháng, trẻ được cho ăn trứng, sữa, vitamin, khoáng chất và các loại thuốc diệt ký sinh để đảm bảo không xảy ra nhiễm trùng.
Hầu hết đều tăng cân và phát triển, chỉ khoảng 1/5 biểu hiện thấp còi đáng kể. Gần như toàn bộ đều cho thấy dấu hiệu viêm nhiễm ruột non, là một triệu chứng của E.E.D.
Các phân tích chuyên sâu chỉ ra rằng rất nhiều trẻ có cùng một chủng vi khuẩn trong ruột non, không liên quan tới những loại sẵn có trong cơ thể. “Càng nhiều chủng vi khuẩn thì dấu hiệu chậm phát triển càng nặng”, báo cáo nêu rõ. Tiến sĩ Gordon cho biết nhóm nghiên cứu đã vô cùng bất ngờ với kết quả này.
Nhóm sau đó đã cấy các vi khuẩn này vào chuột thí nghiệm hoàn toàn không có vi sinh ruột. Kết quả cho thấy sau một thời gian ngắn, các mô ruột non bắt đầu suy giảm – một dấu hiệu tương tự với người.
Mặc dù còn chưa rõ sự tương tác này sẽ diễn ra như thế nào trong cơ thể trẻ em, đây vẫn là một khởi đầu đầy hứa hẹn, theo Tiến sĩ vi sinh và kỹ thuật mô Ana Maria Porras, Đại học Cornell.
Tuy nhiên, còn nhiều điều chưa sáng tỏ về hệ vi sinh đường ruột. Trở ngại là những vấn đề về y đức. Các chuyên gia không thể nghiên cứu mô ruột non của trẻ em khỏe mạnh. Họ cũng chưa có đầy đủ thông tin về tất cả các loại lợi khuẩn ruột non, không thể khẳng định sự xuất hiện của các vi khuẩn có hại hay việc thiếu các chủng có lợi là yếu tố quyết định.
Dù số lượng chủng liên quan tới quá trình phát triển, không phải trẻ càng viêm nặng sẽ càng thấp còi. Kết quả nghiên cứu cũng không hứa hẹn một phương thức thần kì cho vấn đề y tế toàn cầu.
Linh Phan (theo NYTimes)