Trong bài viết Chia sẻ kinh nghiệm mở cửa hàng mẹ và bé chúng tôi đã từng đưa ra một số gợi ý giúp bạn tìm hiểu thị trường, nhập hàng và trang trí để khởi động kế hoạch kinh doanh của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện để mở một cửa hàng truyền thống như vậy, riêng khoản thuê mặt bằng, sắm sửa trang thiết bị đã cần không ít vốn rồi. Lúc này một số người chọn cách kinh doanh đồ trẻ em online để tiết kiệm chi phí. Ý tưởng này không chỉ phù hợp với người ít vốn mà còn là xu hướng trong thời điểm hiện tại cũng như tương lai, khi mà hầu hết các giao dịch đều được “trực tuyến hóa”. Để giúp các bạn nắm được các bước phải làm, chúng tôi xin chia sẻ cách lập kế hoạch kinh doanh đồ trẻ em online chi tiết ngay sau đây.
-
1. Tìm hiểu thị trường
Như đã nói ở bài viết trước, quá trình tìm hiểu thị trường cực kì quan trọng, bạn nên bỏ công để làm thật chi tiết bước này. Về cơ bản bạn sẽ phải nghiên cứu một số vấn đề sau:
Phân đoạn thị trường
Theo độ tuổi: Kinh doanh đồ trẻ em chủ yếu hướng tới các đối tượng từ 10 tuổi trở xuống, chia thành 3 phân khúc là trẻ sơ sinh (1-12 tháng tuổi), trẻ từ 1-5 tuổi và trẻ từ 5-10 tuổi. Bạn cần số lượng trẻ trong từng phân khúc, sự thay đổi qua các năm để xác định đối tượng mà mình hướng đến.
Theo hàng hóa: Bên cạnh việc xác định sẽ bán cho ai thì bạn cần biết mình sẽ bán gì. Dù là kinh doanh gì thì hàng hóa cũng chia thành 3 phân khúc là cao cấp, trung cấp và bình dân. Mỗi phân khúc hướng tới tập khách hàng có đặc điểm chi tiêu, sở thích khác nhau, đồng thời nguồn hàng, thương hiệu sản phẩm cũng được chia rõ ràng.
Phân tích ngành
Bước này dùng để đánh giá mức độ tăng trưởng của lĩnh vực kinh doanh đồ trẻ em, bạn cần tìm hiểu xem hiện tại thị trường có sôi động hay không, có bao nhiêu cửa hàng mẹ và bé được mở thời gian gần đây, đặc biệt là những shop online. Nhờ những phân tích này bạn sẽ biết được tiềm năng khi tham gia vào ngành.
Tìm hiểu hành vi người tiêu dùng
Vì bạn lựa chọn kinh doanh online nên bước này đặc biệt quan trọng. Bạn nên thực hiện một cuộc khảo sát để tìm hiểu thói quen của người tiêu dùng, xem họ có hay mua đồ trẻ em qua mạng hay không, nếu có thì sản phẩm thường mua là gì,…
Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh
Mặc dù bạn bán hàng trực tuyến nhưng đối thủ của bạn vẫn bao gồm các cửa hàng truyền thống bên cạnh những shop online khác. Trong bước này bạn cần liệt kê một số cửa hàng cũng như website kinh doanh đồ trẻ em nổi bật hiện nay, xem độ phổ biến về thương hiệu, tình hình buôn bán của họ thế nào, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực họ đang đẩy mạnh.
-
2. Phân tích điểm mạnh, điểm yếu khi kinh doanh đồ trẻ em
Sau khi tìm hiểu các yếu tố bên ngoài thì việc tiếp theo bạn cần làm là phân tích những yếu tố ảnh hưởng bên trong dự án. Để có cái nhìn tổng quát nhất thì hãy lập sơ đồ SWOT, trong đó trình bày điểm mạnh (S), điểm yếu (W), cơ hội (O) và thách thức (T) của mình. Ví dụ, điểm mạnh của mô hình kinh doanh đồ trẻ em online là cần ít vốn, tận dụng được những kênh quảng cáo trực tuyến, điểm yếu là khó xây dựng lòng tin cho người mua, chưa có kinh nghiệm giao hàng xa,… Khi các yếu tố này kết hợp chéo với nhau sẽ đưa ra các tình huống mà bạn cần phải giải quyết, từ đó hỗ trợ bạn lên kế hoạch chuẩn xác hơn.
-
3. Chọn kênh bán hàng online
Kinh doanh online có nhiều kênh khác nhau, bạn cần xác định một kênh bán hàng chủ đạo của mình để xây dựng chiến lược. Các kênh phổ biến hiện nay là:
Website: Thiết kế website bán hàng cũng tương tự như xây một cửa hàng vật lý, tại đó bạn sẽ trưng bày sản phẩm, tiếp thị thương hiệu, ngoài ra còn hỗ trợ thanh toán trực tuyến tối ưu.
Mạng xã hội, diễn đàn: Đây là các phổ biến được những người có ít vốn lựa chọn, bạn chỉ cần lập một Fanpage Facebook hay tài khoản Instagram, Zalo,… rồi đăng bài rao bán là được, không mất thêm chi phí tạo website nữa.
Sàn giao dịch thương mại điện tử: Nếu muốn có một gian hàng ảo chuyên nghiệp nhưng không đủ điều kiện thiết kế website thì bạn có thể tìm đến những sàn giao dịch như chotot.vn, sendo.vn, ebay.vn,…
-
4. Xác định phương thức tiếp thị
Lợi thế khi kinh doanh đồ trẻ em online là bạn có thể tận dụng các phương thức tiếp thị trực tuyến cực kỳ hiệu quả. Một số hình thức tiếp thị phổ biến hiện nay bao gồm:
Mạng xã hội, diễn đàn: Đây là các trang web có khối lượng người dùng rất lớn và những mối quan hệ chồng chéo, rất thích hợp để lan tỏa thông tin. Bạn có thể kết bạn với nhiều người, đăng bài bán hàng trong hội nhóm, tạo bài thảo luận để quảng cáo,… mà chẳng mất xu nào, hiệu quả lại cao bất ngờ.
Đăng tin rao vặt: Bạn có thể đăng ký tin rao vặt trên các website chuyên về mảng này như chotot.vn, vatgia.com, nhattao.com,…
Chạy quảng cáo: Phương thức này thường được dùng nhất nếu bạn chuyên bán hàng trên Facebook hoặc có website riêng. Hai dịch vụ phổ biến là Facebook Ads, Google Adwords.
Ngoài ra bạn có thể kết hợp một số phương thức quảng cáo khác như Email Marketing, phát tờ rơi, dán áp-phích tại bệnh viện nhi, bệnh viện phụ sản, phòng khám,…
-
5. Tìm nguồn hàng
Dựa vào bản phân tích thị trường đã làm trước đó bạn sẽ xác định được nên nhập những mặt hàng như thế nào. Để tìm được nhà cung cấp tốt nhất thì trước tiên bạn nên hỏi người thân, bạn bè có kinh nghiệm kinh doanh đồ trẻ em, sau đó mới tìm trên mạng. Hãy tham khảo bảng giá, mẫu mã của nhiều nơi cung cấp khác nhau trước khi quyết định. Bên cạnh giá cả thì bạn nên quan tâm tới chất lượng và khả năng nhập hàng liên tục của các nhà cung cấp.
-
6. Thuê nhân viên
Nhiều người nghĩ rằng đã kinh doanh đồ trẻ em online thì cần gì nhân viên khi không có cửa hàng vật lý. Nhưng đến khi bắt tay vào làm thực tế rồi bạn sẽ thấy có rất nhiều việc mà một người không thể cáng đáng hết. Điển hình như quản trị website, hay thực hiện các chương trình quảng cáo trực tuyến, hoặc chỉ đơn giản đi giao hàng trong thành phố thôi, một mình bạn rất khó hoàn thành tốt tất cả chúng cùng lúc. Ngoài ra, trong tương lai quy mô của shop được mở rộng bạn sẽ cần nhân viên chuyên tư vấn cho khách hoặc tìm kiếm các nguồn khách hàng mới. Vì vậy bạn nên có kế hoạch thuê nhân viên ngay từ khi mới bắt đầu.
-
7. Vận chuyển
Đối với kinh doanh online thì vấn đề vận chuyển cực kỳ quan trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu và uy tín của bạn. Đồ trẻ em lại có rất nhiều loại sản phẩm, từ nhỏ gọn như bộ đồ sơ sinh tới cồng kềnh như nôi, cũi hoặc cần bảo quản đặc biệt như sữa bột, sữa tươi, váng sữa,… nên khi vận chuyển phải đặc biệt chú ý, bạn nên phân loại rồi áp dụng các phương án khác nhau cho từng mặt hàng.
Ngoài ra việc lựa chọn đơn vị giao hàng cũng cần đặc biệt quan tâm. Nếu giao hàng nội thành bạn sẽ dùng dịch vụ chuyên nghiệp hay chỉ thuê xe ôm hoặc để nhân viên? Còn nếu giao hàng đến tỉnh ngoài bạn chọn dịch vụ của hãng nào, giá cả ra sao, chính sách hoàn hàng có không? Hãy liệt kê tất cả các phương án rồi loại trừ dần cho đến khi tìm được hình thức vận chuyển phù hợp nhất.
-
8. Thanh toán
Rất nhiều shop online gặp phải tình trạng khách “xù” tiền hàng cũng vì không thiết lập chính sách thanh toán chặt chẽ ngay từ đầu. Một số phương thức thanh toán phổ biến là:
- Thanh toán trực tuyến qua thẻ ngân hàng, ví điện tử
- Sử dụng các cổng thanh toán trực tuyến như nganluong.vn, baokim.vn, paypal.com,…
- Chuyển khoản ngân hàng
- COD (Hàng đến tay khách mới thanh toán)
Trong đó được khách hàng chuộng nhất là COD, tuy nhiên phương thức này lại mang tới nhiều rủi ro cho bạn, ví dụ hàng đến nhưng khách không nhận. Nếu có thể thì bạn nên tích hợp nhiều phương thức thanh toán khác nhau để khách hàng lựa chọn. Các chính sách đổi trả, chuyển tiền trước,… nên được thiết lập chi tiết và rõ ràng ngay từ đầu với người mua, tránh tranh chấp sau này.
-
9. Quản lý
Đừng nghĩ rằng một shop online quy mô nhỏ thì không cần nghiêm ngặt khâu quản lý, càng nhỏ thì càng dễ xảy ra thất thoát do chủ quan. Khi bán hàng trực tuyến, bên cạnh việc quản lý xuất nhập hàng hóa bạn còn phải kiểm soát các đơn hàng đổ về từ website, Facebook, Zalo,… Sau đó thống kê sản phẩm cần giao cho khách, chọn hình thức vận chuyển, lưu lại thông tin thanh toán của người mua,… Rất nhiều thứ cần bạn quán xuyến nên tốt nhất hãy dùng một phần mềm quản lý bán hàng online chuyên nghiệp, giúp bạn tiết kiệm rất nhiều công sức và thời gian.
-
10. Chuẩn bị nguồn vốn
Đây hẳn là bước mọi người quan tâm nhất, nhưng nó lại nằm ở phần cuối của kế hoạch, vì chỉ khi xác định được tất cả các phương án chuẩn bị thì bạn mới biết mình phải chi bao nhiêu, chi như thế nào. Bạn cần vốn cho các khoản sau:
- Nhập hàng
- Thuê nhân viên
- Bao bì đóng gói, cardvisit, in ấn,…
- Vận chuyển
- Chi phí lưu động, quỹ rủi ro
- Thiết kế website bán hàng
- Chạy quảng cáo
- Phần mềm quản lý bán hàng
- Các thiết bị phần cứng như máy quét mã vạch, máy in hóa đơn,…
Trên đây là 10 bước cần thiết để lập kế hoạch kinh doanh đồ trẻ em online, bạn có thể dựa vào đây để đưa ra những chiến lược phù hợp với mình. Hi vọng sau bài viết này bạn sẽ biết phải bắt đầu từ đâu với ý tưởng kinh doanh đang ấp ủ.
Nguồn: https://www.sapo.vn/blog/10-buoc-lap-ke-hoach-kinh-doanh-do-tre-em-online-thanh-cong-p2/