9 điều không nên chia sẻ trên mạng xã hội

Nghiên cứu mới nhất từ công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky cho thấy mạng xã hội là hoạt động hàng đầu của người dùng trực tuyến ở Đông Nam Á trong những tháng đầu năm 2020.

Được thực hiện vào tháng 5 vừa qua với 760 người tham gia, nghiên cứu cho thấy 80% phụ huynh khu vực Đông Nam Á dành nhiều thời gian cho các ứng dụng mạng xã hội khác nhau vì giãn cách xã hội buộc họ phải vừa làm việc, vừa chăm sóc con cái tại nhà.

Mọi thứ mà cha mẹ hoặc con trẻ đăng tải trực tuyến đều có thể được sử dụng để chống lại họ – cho dù đó là một bài đăng thể hiện sự tức giận về một vấn đề nào đó, một bức ảnh thân mật hay cập nhật về cuộc sống cá nhân của họ.

Do đó, điều quan trọng cần lưu ý cho bản thân và con trẻ là trước khi nhấp vào nút “Đăng”, hãy dừng lại một chút và suy nghĩ về bất kỳ điều bất lợi nào có thể phát sinh từ bài đăng trong tương lai. Thông tin này có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cá nhân của bạn hoặc người khác không? Nhà tuyển dụng sẽ nghĩ gì nếu họ nhìn thấy bài đăng này? Ai đó có thể sử dụng thông tin này để theo dõi bạn hoặc con bạn trong thế giới thực hay không? Ai sẽ có thể xem bài đăng này?

Theo Kaspersky, 9 điều dưới đây các bậc phụ huynh và con trẻ không nên chia sẻ trên mạng xã hội:

Địa chỉ nhà riêng hoặc trường học. Nếu biết được thông tin này, những tên trộm, kẻ ấu dâm, hoặc những thành phần xấu có thể dễ dàng xác định vị trí của bạn hoặc con bạn. Trẻ em hiếm khi đăng địa chỉ nhà của mình lên mạng xã hội, nhưng rất thường xuyên nêu tên trường mà mình theo học. Điều cần lưu ý là ngoài việc không đăng thông tin này trực tiếp thì bạn còn không nên chia sẻ thông tin trên mạng xã hội thông qua việc bình luận hoặc đăng hình ảnh gián tiếp cho biết con bạn đang theo học trường nào.

Số điện thoại. Với trẻ em, điện thoại là phương thức liên lạc mà đôi khi bạn bè cùng trang lứa có thể dùng để bắt nạt và người lớn có thể dùng cho những mục đích nguy hiểm hơn. Đối với tội phạm mạng, thông tin này là một trong những dữ liệu có giá trị nhất mà chúng có thể lấy được. Ví dụ: ít nhất kể từ năm 2016, tội phạm mạng đã bắt đầu thu thập số điện thoại của người dùng mạng xã hội và sử dụng thông tin đánh cắp để đăng ký lại dịch vụ ngân hàng trực tuyến và giành quyền truy cập vào tài khoản của nạn nhân.

Vị trí hiện tại (“Check-in”). Thông tin gia đình vắng nhà là tín hiệu thu hút thành phần xấu, và cũng giúp tội phạm dễ dàng theo dõi ai đó hơn. Ngoài ra, những trạng thái như “địa điểm yêu thích của tôi” và đăng thẻ địa lý có thể gây nguy hiểm cho bạn ngay cả khi bạn không ở đó vào hiện tại – điều đó cho kẻ xấu biết rằng có thể dễ dàng tìm thấy bạn ở một nơi nào đó.

Ảnh và video nhạy cảm. Những bức ảnh có vẻ là thú vị đối với thanh thiếu niên có thể khiến họ gặp rắc rối nếu được công bố trên internet. Ví dụ, có rất nhiều trang web thu thập hình ảnh khiêu dâm của các cô gái tuổi teen mà họ tự đăng và xuất bản dưới dạng nội dung “nóng”. Hiệu trưởng của các trường cao đẳng và đại học và các nhà tuyển dụng tiềm năng có thể có ấn tượng xấu đối với học sinh/sinh viên/ứng viên khi nhìn thấy những bức ảnh nhạy cảm.

Hình ảnh của người khác. Không đăng hình ảnh của người khác bởi chính bạn cũng không muốn hình ảnh của mình bị tùy ý sử dụng như vậy.

Hình ảnh khi còn bé của con bạn. Các bậc cha mẹ thường đăng chia sẻ hình ảnh thời bé của con trên mạng xã hội mà nhiều khi chưa được con đồng ý. Điều quan trọng cần nhớ là những bức ảnh đối với bạn rất đáng yêu lại có thể dẫn đến việc trẻ bị bắt nạt trong tương lai.

Hình ảnh những món quà đắt tiền. Điều này nhằm thể hiện sự giàu có hoặc sang trọng của bạn đối với mọi người. Tuy nhiên, cùng với địa chỉ nhà và vị trí địa lý hiện tại, đây còn là một “mỏ vàng” cho những tên trộm tìm kiếm thông tin trên internet.

Thông tin về cuộc sống cá nhân. Thông tin cá nhân luôn có thể được sử dụng để chống lại bạn. Ví dụ: nó có thể được sử dụng để đoán mật khẩu của một tài khoản trực tuyến, để thực hiện một trò lừa đảo hoặc làm quen với con bạn. Việc đăng tải nội dung phàn nàn hoặc thông tin cá nhân của những người thân còn có thể làm hỏng mối quan hệ của bạn với mọi người.

Phát biểu, chỉ trích về các chủ đề nhạy cảm. Tất nhiên, cả bạn và con bạn đều được phép có ý kiến riêng của mình. Tuy nhiên, khi nói đến các vấn đề gây tranh cãi như tôn giáo, chính trị, khuynh hướng tình dục, v.v., tốt hơn hết là bạn không nên chia sẻ ý kiến của mình trên internet. Điều này có thể gây ra xung đột từ thế giới ảo sang thế giới thực hoặc làm hỏng hình ảnh của bạn trong mắt tổ chức giáo dục tiềm năng hoặc nhà tuyển dụng.

Nguồn: https://doanhnhanplus.vn/9-dieu-khong-nen-chia-se-tren-mang-xa-hoi-524651.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *