Xây dựng thương hiệu có thực sự tốn thời gian?

Tuổi đời của Amazon là 23 năm, Apple là 42 năm, Honda là 60 năm…, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, họ thực sự mất bao nhiêu năm để có chỗ đứng trong lòng công chúng? Không có một mốc cụ thể nào quy định thời gian để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thành công, và vì thế, xây dựng thương hiệu có thực sự tốn thời gian luôn là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Dường như đây là điều mà các doanh nghiệp trẻ thường băn khoăn, bởi khi quyết định đầu tư ngân sách và nỗ lực cho việc xây dựng thương hiệu, ai cũng muốn xác định được thời điểm sẽ thu lại được lợi ích. Để có một thương hiệu mạnh cần phải mất một thời gian dài – đây là suy nghĩ của số đông. Suy nghĩ này càng được củng cố khi các hoạt động xây dựng thương hiệu có vẻ phức tạp, và giành được niềm tin của khách hàng lại chẳng phải chuyện đơn giản. Để được coi là thành công, thương hiệu cần phải trải qua những giai đoạn cụ thể.

Những giai đoạn chính trong vòng đời của một thương hiệu

Vòng đời của một thương hiệu có thể được chia thành 5 giai đoạn chính theo trình tự thời gian. Mỗi giai đoạn đều đóng một vai trò quan trọng và có ảnh hưởng tới nhận thức, hành vi của công chúng về thương hiệu.

1. Hình thành và định nghĩa thương hiệu

Đây là giai đoạn để doanh nghiệp xác định mình mong muốn trở thành một thương hiệu như thế nào trong mắt khách hàng, được thực hiện qua các bước xác định đặc trưng sản phẩm, xác định và tiếp cận khách hàng mục tiêu, đưa ra những lợi ích mà thương hiệu mang lại và phương thức để doanh nghiệp thực hiện cam kết với khách hàng.

2. Thiết lập sự nhận biết

Để thương hiệu tồn tại được trong tâm trí người tiêu dùng, doanh nghiệp cần gây được ấn tượng mạnh mẽ cả về cảm xúc và lý trí. Mục tiêu của giai đoạn này là khiến khách hàng hiểu và ưa chuộng thương hiệu, hay đơn giản chỉ là sự gợi nhớ tới thương hiệu trong mọi hoàn cảnh. Chẳng hạn khi nhắc tới dầu ăn, người ta nghĩ ngay tới Neptune, nhắc tới thời trang thể thao, Nike hay Adidas là cái tên được bật ra ngay trong đầu. Marketing và truyền thông chính là công cụ giúp doanh nghiệp thực hiện giai đoạn này.

3. Trải nghiệm khi mua hàng

Doanh nghiệp sẽ không thu được lợi nhuận nếu như khách hàng không chỉ dừng lại ở giai đoạn nhận diện thương hiệu. Người mua hàng luôn mong muốn sự lựa chọn của mình là sáng suốt, và việc của doanh nghiệp là thu hút sự chú ý và thuyết phục khách hàng thông qua trải nghiệm mua sắm.

Ở giai đoạn này, khách hàng sẽ cân nhắc liệu những giá trị mà mình nhận được có xứng đáng với số tiền mình sắp chi ra hay không. Đây là ranh giới giữa khách hàng tiềm năng và khách hàng thực sự. Bởi vậy, vai trò của các tư vấn viên và nhân viên bán hàng dù qua Internet hay trực tiếp cũng đều hết sức quan trọng.  

4. Trải nghiệm khi sử dụng

Đây là giai đoạn diễn ra sau khi khách hàng đã đồng ý chi tiền để có được sản phẩm của bạn. Khách hàng sẽ đánh giá sản phẩm của bạn dựa trên ba khía cạnh.

  • Thứ nhất, chất lượng sản phẩm có đúng như những quảng cáo của doanh nghiệp hay không, xét về kiểu dáng, độ bền, tính năng, hiệu suất…
  • Thứ hai, sản phẩm có thực sự phù hợp với họ hay không, họ có hoàn toàn hài lòng với chất lượng của chúng hay không, liệu họ có nghĩ tới chuyện thử một sản phẩm khác thay vì sản phẩm này hay không.
  • Thứ ba, có vấn đề gì phát sinh ngoài dự kiến khi sử dụng sản phẩm hay không.

Đây là giai đoạn quan trọng để quyết định sự trung thành của khách hàng với thương hiệu.

5. Trải nghiệm khi là thành viên

Sau khi đã thấu hiểu, tin tưởng và lựa chọn gắn liền với thương hiệu, khách hàng luôn mong muốn được đưa lên một vị thế mới với vai trò “khách hàng thân thiết”. Đây là giai đoạn các khách hàng chọn chung một thương hiệu có sự chia sẻ, giao lưu với nhau, chẳng hạn như cộng đồng những người yêu thích Apple, và là thời điểm để doanh nghiệp tri ân khách hàng thông qua nhiều hoạt động. Thương hiệu sẽ sở hữu một số lượng khách hàng trung thành và được coi là thành công khi đạt tới giai đoạn này.

Những yếu tố ảnh hưởng tới vòng đời của một thương hiệu

1. Khả năng tận dụng cơ hội của doanh nghiệp

Ra đời vào năm 1984, Uniqlo là cái tên không có nhiều sức hút. Họ bán đồ của Nike, Adidas cùng các thương hiệu ngoại khác và cố gắng sản xuất quần áo của riêng mình nhưng vẫn thiếu dấu ấn. Đầu những năm 90, vận may kéo đến khi Nhật Bản rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Uniqlo đã tận dụng cơ hội này để tung ra hàng loạt sản phẩm bình dân, thoả mãn nhu cầu cắt giảm chi tiêu của nhiều gia đình Nhật Bản. Đó là bước ngoặt lịch sử giúp thương hiệu được nhiều người nhớ tới và trung thành trong suốt thời gian dài khó khăn. Chưa đầy 10 năm sau, Uniqlo đã sở hữu 300 cửa hàng trên toàn quốc và trở thành thương hiệu thời trang quốc dân.

Đó là minh chứng cho sự thành công nhanh chóng của thương hiệu khi doanh nghiệp biết chớp lấy thời cơ từ sự thay đổi của thị trường. Nếu tiếp tục bán quần áo ngoại, liệu Uniqlo phải mất thêm bao nhiêu năm nữa mới được khách hàng công nhận, hoặc liệu họ có sống sót sau cuộc khủng hoảng tài chính đó? Xu hướng mua sắm và tiêu dùng của con người luôn không ngừng thay đổi, đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội đặt ra cho các doanh nghiệp.

2. Chiến lược thương hiệu

Tiếp tục với ví dụ trên, trong thời kỳ khủng hoảng của nước Nhật, Uniqlo đã đặt ra chiến lược không mở cửa hàng tại trung tâm thành phố lớn, thay vào đó là khu vực ngoại ô và ven đường. Chiến lược này thành công tới nỗi vào những năm 2000, khi áo dạ trở thành mốt, Uniqlo đã bán được 26 triệu chiếc áo trong 1 năm khi dân số của Nhật Bản là 120 triệu người. Chiến lược nay giúp đưa tên tuổi của thương hiệu lan rộng trên toàn quốc.

Tuy nhiên, đây lại là chiến lược sai lầm khi Uniqlo áp dụng với thị trường Anh và Mỹ. Không thành công nhanh chóng như tại quê nhà, Uniqlo vấp phải sự thờ ơ của công chúng. Họ mất 5 năm thất bại và phải đóng cửa 16/24 cửa hàng. Chỉ khi thay đổi chiến lược mở cửa hàng tại các trung tâm thương mại sầm uất bấc nhất nước Mỹ, Uniqlo mới thu hút được khách hàng và thâm nhập thành công thị trường nước ngoài.

Có thể thấy, tầm nhìn và định hướng chiến lược quyết định rất lớn tới thời gian xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Một chiến lược đúng đắn sẽ rút ngắn khoảng cách tiếp cận khách hàng mục tiêu và đẩy nhanh tiến trình xây dựng thương hiệu.

3. Ý tưởng marketing sáng tạo

Bạn có thể mất rất nhiều thời gian với phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, đi theo những cách thức quảng bá thông thường và không có nhiều đột phá. Ngược lại, bạn có thể nhanh chóng trở thành tâm điểm và là thương hiệu được khách hàng muốn thử trải nghiệm sản phẩm nếu áp dụng những ý tưởng marketing sáng tạo.

Trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp và thời trang, các doanh nghiệp thường chọn những người mẫu hoàn hảo bởi họ cho rằng mình đang đưa ra hình mẫu lý tưởng mà phụ nữ hướng tới. Tuy vậy, những người mẫu này không thực sự đúng với hình ảnh của khách hàng mục tiêu. Dove đã quyết định nói không với cách thức quảng cáo truyền thống và chọn những 6 người phụ nữ bình thường để quảng cáo sản phẩm. Quả thật, đây là nước cờ thông minh giúp Dove chạm tới cảm xúc của những khách hàng nữ và khiến họ có thêm niềm tin sản phẩm, từ đó  nâng cao vị thế của thương hiệu.

4. Ý tưởng và chất lượng sản phẩm

Không một thương hiệu nào có thể thành công nếu thiếu đi sản phẩm tốt. Chất lượng sản phẩm là nền tảng để xây dựng thương hiệu, nhưng đó cũng không phải là điều kiện để doanh nghiệp có thương hiệu mạnh,  bởi đối thủ cạnh tranh hoàn toàn có thể sở hữu sản phẩm tốt tương tự. Vì vậy, xây dựng thành công chỉ xảy ra khi doanh nghiệp xác định và làm bật được thế mạnh, giá trị đặc biệt của mặt hàng, hoặc cho ra đời một sản phẩm mang tính đột phá.

Ra đời từ năm 1976, nhưng phải tới tận năm 2007, Apple mới thực sự chiếm lĩnh thị trường khi ra mắt Iphone, làm thay đổi định nghĩa smartphone với màn hình cảm ứng rộng, đa chạm, phá bỏ bàn phím cứng, dễ dùng, có kho ứng dụng, kết nối Internet…, điều mà các smartphone trước đó, kể cả từ BlackBerry cũng chưa làm được. Thời đại của Apple đã tới với một sản phẩm mang tính cách mạng, thỏa mãn được kỳ vọng của người dùng và giữ đúng lời hứa từ nhà sản xuất.

Xây dựng thương hiệu có thực sự tốn thời gian?

Rõ ràng, xây dựng thương hiệu phải là một quá trình lâu dài, xuyên suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo doanh nghiệp luôn có những khách hàng ghi nhớ và trung thành. Tuy vậy, xây dựng thương hiệu thành công lại không thực sự mất nhiều thời gian đến thế.

Dựa vào những yếu tố tác động nêu trên, có thể thấy doanh nghiệp hoàn toàn định đoạt được số phận thương hiệu của mình thông qua những quyết sách và tính toán cụ thể. Cũng cần lưu ý rằng, không phải cứ có cơ hội lý tưởng, chiến lược đúng đắn, sản phẩm tốt và marketing khôn ngoan là doanh nghiệp sẽ xây dựng thương hiệu thành công chỉ ngay trong vài tháng hay vài năm đầu tiên.. Nhưng chính những yếu tố đó lại là cú hích để doanh nghiệp ghi dấu ấn ngày càng đậm nét trong tâm trí khách hàng, và thành công có thể đến sau 3 – 5 năm hoặc hơn.

Như vậy, câu hỏi về khoảng thời gian xây dựng thương hiệu đã phần nào được giải đáp trong bài viết trên đây. Trước khi ước lượng tương đối về thời điểm thành công của mình, doanh nghiệp cần phải có những định hướng rõ ràng. Bạn cũng có thể đăng ký dịch vụ tư vấn thương hiệu tại Hoc11.vn để được hỗ trợ chuyên sâu dựa trên những nền tảng sẵn có thông qua đường dây 09.

Nguồn: Hoc11.vn branding

Chuyên gia số 1 về thiết kế Thương hiệu

Xem thêm những bài viết chất lượng khác:

  • 5 Bước để triển khai xây dựng thương hiệu mạnh hiệu quả
  • 4 bước đánh giá nhanh hiện trang thương hiệu doanh nghiệp

 

Nguồn: https://www.saokim.com.vn/blog/xay-dung-thuong-hieu/xay-dung-thuong-hieu-co-thuc-su-ton-thoi-gian/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *