Lo cho con

Thời ít con, bởi “con vàng con ngọc” nên nhiều cha mẹ đa phần bao cấp hết cho con để rồi lại than thở “một lũ gà công nghiệp không biết làm gì!”. Từ gấp bộ quần áo cho đến xếp chiếc xe cho ngay hàng thẳng lối cũng thấy… ngứa mắt!

Sinh con ra, chăm bẵm từ miếng ăn, giấc ngủ. Lớn lên kèm cặp đưa đón đi học, đi thi. Con thi đậu thì mừng, thi hỏng thì quá rầu, chỉ mong muốn cho con có con đường đi làm người lương thiện (mong ước như vậy nhưng được hay không thì chưa biết). Con học hành ra trường lại lo việc làm (không lo được thì cũng phải cầu nguyện ngày đêm cho con có cuộc sống ổn định). Chỉ là mộng bình thường của nhiều cha mẹ khi mà giờ đây, mở trang báo nào cũng đầy những bất an. Buổi sáng cha mẹ, con cái ra đường chẳng khác nào ra trận. Một chút va quẹt cũng dễ dẫn đến cùng quẫn. Xe chạy như nêm, tránh không đụng chạm là cả một nghệ thuật chứ chẳng chơi. Tới sở làm, lại lo dòm ngó kẻ trước người sau. Nghe câu nói ngọt vậy chứ chưa chắc đã vậy, thương trường đâm sau lưng là chuyện bình thường. Mưa lớn đổ cây cũng mất mạng người… Buổi chiều, gom hết đầy đủ về nhà mới thở phào rằng đã có một ngày… bình yên (dù trước đó cãi nhau tơi bời ở cơ quan hay lên lớp tức bà cô/ông thầy quá đỗi). Chuyện quanh mâm cơm nổ ra bao nhiêu ẩn ức một ngày. Mẹ khéo léo, lèo lái câu chuyện sang hướng khác. Đôi khi nạn nhân là mẹ thì hôm đó cơm nguội canh lạnh hoàn toàn có thể xảy ra. Sống là chiến đấu – người xưa nói chẳng sai.

DN573_GD050914_Lo-cho-con

Chính bởi những tin tức về độ phức tạp của bối cảnh xã hội mà cha mẹ hết nỗi lo này lại thêm nỗi lo kia, đến mức phải buông lời… tiêu cực, thôi kệ, bảo bọc con cái được ngày nào hay ngày đó, nào ai biết ngày mai!11

Một thời, những phụ huynh được cho là “cấp tiến” đã lên tiếng phản ứng về tình trạng cha mẹ bảo bọc con cái. Phải cho chúng tự lập, tập cho con kỹ năng sống, biết thích nghi với môi trường, biết chấp nhận thất bại để vươn lên… Các chuyên gia tâm lý cũng vào cuộc, cha mẹ cần phải đổi mới tư duy, không lo cho con nữa mà phải để con tự xoay xở. Nhiều người lại thêm lo xa, thế hệ số chỉ biết suốt ngày còng lưng bên máy tính, việc tay chân, kỹ năng sống thì dựa hoàn toàn vào cha mẹ.

Có một clip cậu thanh niên cả ngày cắm mặt vào máy tính, tay chân yếu ớt, bà mẹ nhờ bưng chậu hoa đi nơi khác cũng làm rớt. Hẹn với người yêu thì “đợi anh chơi hết ván này rồi anh đến”. Nhớ ra, chạy đến chỗ hẹn thì bị người yêu chửi xối xả và chia tay. Trên đường đi về, cậu buồn chán quá, lấy chân đá một cái lon, vô tình trúng đám thanh niên đang ngồi trên vỉa hè. Thế là bị một trận đòn tơi tả. Cậu gượng dậy đi tiếp thì thấy một trung tâm thể hình. Cậu sáng mắt và bước vào ghi danh với hy vọng… đổi đời. Xem xong, các bà mẹ mới hiểu dụng ý của clip: chỉ là quảng cáo cho một trung tâm thể hình nào đó. Thở phào nhẹ nhõm, các bà mẹ hy vọng con mình chưa đến nỗi!

Thực ra, cha mẹ nào cũng biết được khả năng tiềm ẩn của con. Đừng tưởng chúng là gà công nghiệp. Thả ra, đời dạy đời. Ai cũng phải học bài học của cuộc đời mới lớn được. Hôm nay biết hôm nay, hạnh phúc ngày nào hay ngày đó. Nghĩ vậy nên nhiều cha mẹ thoải mái lo lắng cho con. Một cô khoe trên trang mạng xã hội: “Hôm nay là ngày đầu tiên mình đi dạy học. Từ hôm qua, bố đã dắt xe đổ đầy bình xăng, lau xe thật bóng loáng. Bố nói để con gái đến trường có bộ vó chỉn chu, đẹp trong mắt học trò”. Mẹ còn chọn giúp cho đôi giày cao gót!

Một cậu, cũng ngày đầu tiên đi dạy học kể rằng, trường báo gấp quá, Chủ nhật gọi điện báo thứ Hai nhận lớp làm chiều đó mẹ lật đật dắt đi siêu thị mua hai cái áo sơmi, hai cái quần vải và đôi giày. Nào giờ toàn quần jeans, áo thun, giày bata. Mẹ nói, thầy giáo phải trang phục đàng hoàng. Dạy sáng, trưa về nhà ăn cơm, ngủ một chút rồi mẹ đánh thức dậy hệt như hồi học cấp 3.

Bà mẹ khác nghe vậy buột miệng, sướng quá, con dạy gần nhà có mẹ lo cho miếng ăn, giấc ngủ. Con tôi đi làm xa hết, không biết tụi nó thế nào! Bà hạnh phúc hơn tôi nhiều.

Vậy đó, bảo bọc con được ngày nào thì làm. Đường đời lắm cạm bẫy. Nhanh lắm, một ngày nào đó ba mẹ có muốn lo cũng không còn cơ hội!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *