Tâm lý con gái tuổi dậy thì thay đổi như thế nào?

Người ta cho rằng khi thiếu nữ đến tuổi dậy thì, mối tương quan với cha mẹ có nhiều biến đổi. Ngày nay các cô thiếu nữ được cha mẹ chiều chuộng, chú ý tới nhiều việc khác nữa vì “con mình đã lớn”.

Cha mẹ thường hay chỉ dạy, thậm chí ngăn ngừa con cái, vì họ đã sống nhiều, đã trải qua hoặc chứng kiến nhiều thất bại, tai ương. Các bậc cha mẹ cũng đã quan sát và biết được phần nào các yếu tố có khả năng đem đến thành công và ngược lại. Cho nên cha mẹ có nghĩa vụ truyền lại cho con những kinh nghiệm đó, cũng như khéo léo đưa ra những lời khuyên nhủ con cái.

Thế nhưng các cô thiếu nữ ngày nay rất khác trước, mong muốn nhiều thứ hơn, biết hưởng thụ hơn và có khi còn sành sõi thị trường mua sắm, vui chơi giải trí, các chương trình phim ảnh nghệ thuật hơn cả cha mẹ. Là bởi vì cha mẹ bận rộn làm ăn, chỉ quan tâm đến các vấn đề của người lớn.

Các cô gái biết rằng cha mẹ có nguyện vọng cho con được sung sướng, vui tươi, học hành thành đạt trên đường đời. Các cô con gái có nhiều cơ hội làm chủ bản thân hơn là tuân thủ mọi quy định như hồi còn bé.

Đức tính tự tin bây giờ được đề cao ở khắp nơi và mọi hoạt động ở nhà trường hay ngoài xã hội đều giúp các cô rèn luyện đức tính này. Ngày xưa con gái rụt rè, tự ti, bây giờ khác hẳn. Có một thế hệ các cô gái tự tin, đôi khi còn thái quá.

Với năng lực lý luận và suy nghĩ hiện đại, nhiều cô gái cho rằng mình có thể tự lèo lái cuộc đời, có cô còn cho rằng cha mẹ mình “lạc hậu” vì họ đã bắt đầu cuộc sống của người lớn tuổi.

Ngày xưa cái gì cha mẹ cũng có thể dạy con được, còn ngày nay có nhiều bậc cha mẹ phải hỏi con cái để hiểu thêm cách xài vi tính và các con còn giao tiếp tiếng Anh lưu loát hơn cả cha mẹ.

Chính điều này đã khiến một số cô gái dậy thì cảm thấy bực bội trong vòng kiềm tỏa của cha mẹ và các luật lệ gia đình. Bởi vậy ngày nay, ở nhiều gia đình thành thị, hiếm có chuyện con xin phép cha mẹ đi ra phố mà nói rõ giờ giấc cụ thể sẽ về nhà nếu không có việc đột xuất.

Bây giờ, việc đi ra khỏi nhà của các cô cậu thanh thiếu niên có khi chẳng ai biết lý do, giờ giấc, vì nói chung đều được giải thích là đi có công chuyện. Khi nào con về thì ba mẹ biết là đã về, thế thôi. Vì các con ra phố suốt ngày, sáng mở mắt là đi, tối mới về, có khi chẳng ăn trưa cũng không kịp báo.

Có con gái dậy thì

Cũng chẳng ai biết đích xác thời điểm nào thì con cái trưởng thành, bởi đó là một quá trình chuyển biến. Người ta nói rằng những năm dậy thì là một giai đoạn học tập ráo riết. Cha mẹ cũng giao trách nhiệm cho con từ từ vì còn phải để ý xem con có thật sự hành động một cách khôn ngoan hay không.

Các cô gái dậy thì không chỉ có những suy nghĩ, ý kiến riêng, mà cá tính cũng như nếp sinh hoạt có những yêu cầu riêng. Cô gái say sưa với những thú vui mới, có thể thay đổi liên tục và bị người lớn cho là nông nổi, bồng bột. Nếu đó chỉ là ý thích nhất thời để trưởng thành, định hình dần tính cách, thì các cô ai cũng phải trải qua, coi như tính giai đoạn.

Cô gái có thể thay đổi cả thần tượng mà trước đó cô từng là một “fan” cuồng nhiệt. Có cô còn bị cho là hành động “điên rồ”, vì tất yếu là ở độ tuổi ấy sẽ còn nhiều điều vụng dại.

Mâu thuẫn lớn nhất thường xảy ra giữa cha mẹ và con gái dậy thì là các bậc phụ huynh thường cha mẹ can thiệp vào sự giao du bạn bè của con. Cha mẹ lo ngại và hay xét nét đám bạn bè, vì họ muốn cho con gặp may mắn với đám bạn tốt, chứ đừng để phải trách hận về sau.

Ngay cả những việc trước đây các bậc cha mẹ đã làm, bây giờ họ cũng ngăn cản con. Điều này khiến cô con gái ấm ức, cho là thiếu công bằng. Nhưng đó là kinh nghiệm mà cha mẹ đã phải trả giá, không muốn con mình lặp lại. Cô nào hiểu được điều này sẽ là người khôn ngoan. Những cô gái thu phục được lòng tin của cha mẹ thì thường được trao nhiều trách nhiệm hơn. Đó là điều cha mẹ nên rèn luyện cho con cái đang lớn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *